Trung Lê (Akito Boots) - Made in Vietnam là khi sản phẩm hiểu được người Việt | The Highball People
- Châm Khanh
- Apr 16
- 9 min read
Giữa cái nắng của trưa Sài Gòn, The Highball có dịp ghé thăm một tiệm giày nhỏ tại con hẻm quen. Giữa không gian vương mùi da thuộc, vật dụng đóng giày nằm gọn trên mặt bàn, bên ly nước dừa mát lạnh, chúng tôi bắt đầu cuộc trò chuyện mộc mạc cùng Trung Lê – người đứng sau thương hiệu Akito Boots.
Người từng căng mắt theo những dòng lệnh máy tính, giờ lại tìm thấy niềm vui ở từng mũi chỉ, từng thớ da. Ở đó, Akito Boots là kết quả của một hành trình trở về, về với thủ công, với giá trị bền bỉ, và hơn hết về với chính con người Việt. Với Trung Lê, “Made in Vietnam” chẳng phải cái mác để đóng dấu lên giày, mà là lời cam kết âm thầm về những đôi giày được làm ra ở Sài Gòn, hiểu người ở đây - từ dáng chân cho đến nhịp sống.

Xin chào Trung Lê, bạn có thể giới thiệu một chút về bản thân và Akito Boots cho những ai đầu tiên biết đến không?
Được thôi! Mình là Trung, là chủ của Akito Boots. Nói một chút về Akito thì mình thành lập nơi này từ năm 2018, và các công việc mình thường xoay quay nhận đặt giày theo yêu cầu, đóng giày da chất lượng cao, theo công thức thủ công truyền thống. Bên cạnh đó, tại Akito Shop còn có dịch vụ sửa chữa, thay đế, vệ sinh bảo dưỡng giày da, cũng như các sản phẩm đồ da khác.
Dù nghe có vẻ không liên quan, nhưng mình xuất phát điểm là dân Công nghệ thông tin, chuyên về cơ sở dữ liệu (cười). Mình từng làm việc trong môi trường công sở khoảng một năm. Thời điểm đó, ngành IT ở Việt Nam còn khá mới mẻ, còn nhiều hạn chế so với hiện tại. Sau một thời gian gắn bó, mình dần cảm thấy mất cảm hứng, không còn tìm được sự kết nối với ngành nghề này nữa.
Vậy là mình quyết định chuyển hướng - bắt đầu bằng việc buôn bán, rồi dần dần bén duyên với nghề làm đồ thủ công.

Giày da thủ công có vẻ là một lĩnh vực khá đặc thù. Bạn có trải qua quá trình học hỏi và đào tạo nào trước khi bắt tay vào xây dựng Akito Boots không?
Mình nghĩ một phần cũng do nền tảng là gia đình. Ba mình là kỹ sư cơ khí, còn mẹ mình là thợ may, nên từ nhỏ mình đã làm quen với việc vẽ vời, làm đồ thủ công rồi. Mình rất thích tìm hiểu, xem sách, đọc bài viết hay xem video về các sản phẩm thủ công. Đến một giai đoạn, mình bắt đầu bước vào công việc buôn bán - nhập giày, mang thử, rồi bán các dòng giày boots cao cấp từ nước ngoài.
Trong quá trình đó, mình thấy một điều rất rõ: tại Việt Nam lúc đó, hầu như không có đơn vị uy tín nào hỗ trợ khách hàng trong việc chăm sóc, sửa chữa hay bảo dưỡng giày da. Nhiều người mình gặp chia sẻ rằng họ ngại mang giày đắt tiền vì sợ bị hư, mòn đế mà không biết đem đi đâu để sửa. Và thế là mình quyết định đi học đóng giày luôn.
Ban đầu, mình chủ yếu tự học qua mạng - xem video, đọc tài liệu, rồi tự mua dụng cụ về thực hành. Nhưng bước ngoặt thật sự đến khi mình gặp được “sư phụ” của mình — một người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề đóng giày. Anh ấy thật sự rất giỏi, toàn diện nhất trong tất cả những người mình từng biết. Lúc đó, mình đã có sẵn một nền tảng lý thuyết kha khá, còn anh thì là người thực chiến. Hai anh em nhanh chóng “bắt được sóng” và bắt tay vào làm việc cùng nhau. Và rồi, ba năm sau thời điểm đó, mình chính thức bắt tay làm ra những đôi giày da đầu tiên.

Từ việc thiết kế, chọn lựa chất liệu, đến quá trình sản xuất, bạn thường mất bao lâu để hoàn thành một sản phẩm?
Về thời gian hoàn thiện giày tại Akito, mình chia ra từng tình huống cụ thể để xử lý. Với những đơn hàng từ khách đã có sẵn mẫu, mình thường mất khoảng 4 đến 7 ngày, tùy vào mức độ phức tạp của từng mẫu. Còn nếu là một mẫu hoàn toàn mới nhưng đã có thiết kế rõ ràng, thời gian hoàn thiện sẽ rơi vào khoảng 2 tuần.
Có nhiều khách yêu cầu những chỉnh sửa nhỏ như tăng chiều cao cổ giày, thêm một vài chi tiết đặc biệt – lúc đó mình sẽ lấy bộ rập của size chuẩn rồi “nhân” ra theo kích thước của khách và mới tiến hành làm. Kiểu này gọi là làm mới trên nền có sẵn, nên thời gian thường nhanh hơn.
Nhưng nếu là thiết kế một mẫu giày hoàn toàn mới, thì quy trình lại phức tạp hơn rất nhiều. Đầu tiên, mình phải hình dung rõ mẫu giày đó trong đầu: nó có phù hợp với những phom giày mình đang có không? Nếu không, mình phải tạo ra một phom giày mới hoàn toàn.
Sau đó, mình mới bắt đầu vẽ mẫu — từ ý tưởng trong đầu ra hình khối thật: vẽ trực tiếp trên phom giày, cắt giấy, dán thử, rồi tạo thành các mảnh mẫu. Những mảnh này sẽ được cắt thành bộ rập hoàn chỉnh và dùng để may thử bản mẫu đầu tiên. Khi có mẫu thử rồi, mình sẽ kiểm tra lại, vì có thể hình dáng đã ổn nhưng quy trình thực hiện lại quá tốn thời gian – lúc đó cũng cần chỉnh sửa thêm. Toàn bộ quá trình đó có thể mất từ 2 đến 6 tháng để hoàn thiện một mẫu giày mới.

Tại Akito Boots, thì quá trình “hiểu khách” thường bắt đầu từ điều gì?
Đối với tinh thần thời trang mà mình và cộng đồng xung quanh theo đuổi, tụi mình thường quan tâm và tập trung vào yếu tố con người nhiều hơn. Khách đến với Akito rất đa dạng, nhưng điểm chung là họ đều tìm đến sự cá nhân hóa và sự kết nối.
Với những khách mà mình đã quen biết hoặc có sự đồng điệu - cùng gu ăn mặc, dáng người, phong cách sống, thậm chí là thói quen sử dụng giày - thì việc hình dung thiết kế sẽ dễ hơn rất nhiều. Vì giữa mình và họ đã có một thứ “ngôn ngữ chung” về thẩm mỹ, nên đôi khi chỉ cần vài trao đổi đơn giản, mình đã có thể tưởng tượng được đôi giày nên như thế nào.
Còn với khách hàng mới, mình thường bắt đầu bằng những cuộc trò chuyện. Mình muốn biết họ đã biết gì về Akito, liệu họ có đồng quan điểm với mình về thẩm mỹ không, họ cần đôi giày đó để làm gì, dự định phối với trang phục ra sao, và trải nghiệm mà họ mong đợi là gì. Từ những thông tin đó, mình mới dần dần đi đến phần “tùy chỉnh sâu” — lúc này mới quyết định chất liệu, màu sắc, phom dáng, chi tiết... Dĩ nhiên sẽ có những yêu cầu mà mình từ chối, vì không đúng với phong cách của Akito. Nhưng cũng có lúc, mình sẽ đề xuất những giải pháp tốt hơn — vì mình hiểu khách, và khách tin mình.

Có phải bạn đang định hình Akito Boots trở thành một thương hiệu giày da thủ công “Made in Vietnam” đúng nghĩa – vẫn mang bản sắc riêng nhưng vẫn kế thừa tinh thần từ những giá trị nguyên bản?
Đúng vậy! Những loại như giày tây hay bốt da (boots) thì vốn dĩ có nguồn gốc từ phương Tây. Vậy nên nếu ai bảo: “Giày Việt Nam mà giống kiểu Tây quá” thì mình nghĩ, chuyện đó là không thể tránh khỏi đâu (cười). Thậm chí nếu có người nói giày Akito giống một thương hiệu giày da nào đó trên thế giới thì với mình, đó là một lời khen, là vinh hạnh nữa kìa. Vì để được so sánh như vậy, nghĩa là mình đang làm đúng hướng.
Một điểm nữa mình muốn nhắc đến đó là khi nói về một đôi giày “vừa chân”, nằm ở đúng hai điểm: phần mu bàn chân và gót chân. Chỉ cần hai chỗ này ôm đúng, cố định tốt là có thể mang đi rồi. Nhưng để nói một đôi giày “fit” thật sự, thì nó là câu chuyện khác, nó sâu hơn nhiều.

Mình hay ví dụ việc mang một đôi giày da được đóng riêng theo chân mình, cảm giác sẽ giống như mang một đôi vớ thoải mái vậy. Nếu chân mình có chiều dài, chiều ngang lớn hơn phổ thông, hoặc phần mu bàn chân cao, giày đóng thủ công sẽ ôm chân rất tốt và thoải mái các ngón chân dù mang trong thời gian cả ngày dài.
Mỗi hãng giày trên thế giới đều có một phom dáng riêng, được thiết kế để phù hợp với khách hàng ở từng khu vực. Ngay cả trong khu vực châu Á, kiểu chân của người Nhật, người Hàn, người Indonesia hay người Việt đều có những khác biệt rõ ràng. Ở Việt Nam chưa có nhiều nơi đóng giày da, giày boots tập trung vào việc đem đến chất lượng hoàn thiện cao, kỹ thuật đo và đóng giày kĩ lưỡng.
Vì vậy, trước đây, những anh em mê giày boots thường phải mua từ nước ngoài. Anh em mang thấy vừa, thấy “đi được” nhưng vẫn chưa có được một trải nghiệm đến tận xưởng, được kiểm tra đo chân và có được một đôi giày “fit” chuẩn nhất cho bản thân. Và Akito luôn luôn mong muốn sẽ trở thành một địa chỉ uy tín để anh em đến đặt đóng giày.

Bạn từng chia sẻ: “Hình ảnh Việt Nam trên thế giới chỉ là gia công (outsource) chứ không phải thiết kế & sản xuất (bootmaker/manufacturer)". Bạn có thể giải thích rõ hơn về quan điểm này không? Tại sao bạn lại cho rằng Việt Nam vẫn chưa được nhìn nhận như một “maker/manufacturer"?
Dưới góc nhìn của mình, thì trong ngành công nghiệp giày, đúng là người Việt mình có tay nghề rất cao. Nhiều anh em trong nghề, nếu so với thợ nước ngoài, họ không thua bất cứ điểm nào về kỹ thuật cả. Nhưng vấn đề: Họ chưa giỏi kể câu chuyện, họ chưa biết cách để cho thế giới thấy được là: “Tôi làm được này!”.
Thêm một điều nữa, nhiều người trong ngành không có điều kiện để tiếp cận những cái mới. Họ chỉ sống và làm việc trong một môi trường họ đã quen từ lâu rồi, như trong một vòng tròn khép kín. Không có cơ hội tiếp xúc với phương pháp tiến tiến hơn, cách tiếp cận mới hơn. Nhưng, nếu có người đến yêu cầu họ, cho họ một “đề bài” cụ thể, họ hoàn toàn làm được, và làm cực giỏi.
Quay lại khái niệm “gia công" và “thiết kế & sản xuất" mà mình đã từng đề cập. Gia công là nơi làm theo đơn đặt hàng, mà ở đó, sự sáng tạo rất ít, gần như không có – chỉ đơn thuần dùng đôi tay để làm theo hướng dẫn. Còn thiết kế & sản xuất tuy vẫn là làm bằng tay, nhưng nó có sáng tạo, có “DNA” riêng của người thợ trong sản phẩm. Tính cá nhân, cá tính và kỹ năng của người làm ra nó – được thể hiện ngay trong từng đường kim, mũi chỉ, phom dáng.

Bạn có bao giờ nghĩ Akito Boots sẽ không chỉ tập trung vào phục vụ một cộng đồng không?
Khi bước vào “cuộc chơi” thủ công, có một sự thật phải chấp nhận: đây không phải là con đường dành cho số đông. Vậy nên, không thể sản xuất hàng loạt theo kiểu công nghiệp, càng không thể chạy theo doanh thu bằng cấp số nhân. Và thực tế, mình sẽ cần thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và trải nghiệm để thấy được vẻ đẹp của những đôi giày da sản xuất theo kiểu truyền thống như thế này.
Giá trị của những sản phẩm thủ công nằm ở chất lượng, nhưng còn hơn thế nữa, nó mang theo thời gian và con người. Một người thợ có thể mất cả tháng để làm ra một đôi giày. Và một khách hàng, đôi khi cũng sẵn sàng chờ đợi vài năm để nhận được sản phẩm đó. Chuyện đó là điều rất đỗi bình thường.
Cho nên, hiện tại mình và các bạn trong Akito Boots không cố gắng để mở rộng số lượng khách hàng bằng mọi giá. Bởi bản chất của “cuộc chơi” này, nó là như vậy (cười). Nhưng mình tin, chúng mình đang từng bước đặt những viên gạch đầu tiên để xây nên một nền móng – không chỉ là nơi dành cho những anh em trong cộng đồng yêu thích giày da, giày bốt & thời trang Heritage nói chung, mà còn là nơi giúp nhiều người cảm nhận vẻ đẹp của những món đồ được sản xuất với niềm đam mê to lớn đối với các giá trị thủ công truyền thống.
Ước mơ của mình là một ngày nào đó, khi bước vào một cửa hàng bán đồ chất lượng cao, mình có thể nhìn thấy sản phẩm của Akito Boots được trưng bày ngay cạnh những thiết kế đến từ Mỹ hay Nhật – ngang hàng, không giới thiệu dài dòng và không cần phân trần gì thêm. Chỉ cần như vậy thôi, để thế giới hiểu rằng “Made in Vietnam” cũng có thể là một bảo chứng của chất lượng.

Cảm ơn Trung vì đã dành thời gian để chia sẻ cùng The Highball những câu chuyện thú vị! Mong những dự án trong tương lai của Trung và Akito Boots sẽ diễn ra thuận lợi nhé!
Comments